03 loại thuế phí mà người dân phải nộp khi xây dựng nhà ở?
[1] Về thuế:
Theo Công văn 3700/TCT/DNK năm 2004 của Tổng cục thuế quy định như sau:
Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản thi hành Luật thì: Đối tượng nộp thuế GTGT và thuế TNDN là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Theo Công văn 2010/TCT-CS năm 2017 của Tổng cục Thuế thì cá nhân hộ gia đình tự xây dựng nhà ở thì không cần nộp thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN và thuế TNCN.
Theo Công văn 3381/TCT-CS năm 2008 thì cá nhân, tổ chức nhận thầu xây dựng nhà cho hộ gia đình sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo đó, trường hợp hộ gia đình tự mình xây dựng sẽ không cần nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN.
Tuy nhiên, đối với trường hợp người dân thuê nhà thầu là cơ sở kinh doanh thực hiện xây dựng nhà cho mình thì bên nhà thầu có trách nhiệm phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN theo quy định. Thông thường, bên nhà thầu thường sẽ tính giá vật liệu xây dựng, tiền công,…đã bao gồm thuế vào tiền khoán nhà thầu theo quy định.
[2] Lệ phí cấp giấy phép xây dựng (áp dụng đối với trường hợp khi xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có giấy phép xây dựng)
Theo khoản 6 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định về danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau:
Danh mục các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
1. Lệ phí đăng ký cư trú (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
2. Lệ phí cấp chứng minh nhân dân (đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện).
3. Lệ phí hộ tịch.
4. Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam (đối với cấp phép do cơ quan địa phương thực hiện).
5. Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
6. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
7. Lệ phí đăng ký kinh doanh.
Theo đó, đối với những trường hợp hộ gia đình xây dựng nhà ở cần có giấy phép xây dựng sẽ cần phải nộp lệ phí cấp giấy phép xây dựng
Mức lệ phí cấp giấy phép xây dựng sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định
[3] Lệ phí trước bạ:
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu lệ phí trước bạ như sau:
Đối tượng chịu lệ phí trước bạ
1. Nhà, đất.
2. Súng săn; súng dùng để tập luyện, thi đấu thể thao.
…
Đồng thời tại Điều 4 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về người nộp lệ phí trước bạ như sau:
Người nộp lệ phí trước bạ
Tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ quy định tại Điều 3 Nghị định này phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc đối tượng miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở đăng ký quyền sở hữu sẽ phải nộp lệ phí trước bạ
Như vậy, lệ phí trước bạ và lệ phí cấp phép xây dựng là 02 loại phí người dân phải nộp khi xây dựng nhà ở.
Đối với các thuế như thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN thì cá nhân, hộ gia đình tự xây dựng nhà không thuộc đối tượng phải nộp thuế. Tuy nhiên nếu thuê thầu xây dựng thì phía nhà thâu sẽ đóng các khoản thuế này. Thực tế, cá nhân, hộ gia đình sẽ trả các khoản thuế này gián tiếp thông qua việc trả tiền khoán xây dựng cho bên nhà thầu.
03 loại thuế phí mà người dân phải nộp khi xây dựng nhà ở? (Hình từ Internet)
Điều kiện để người dân được cấp giấy phép xây dựng khi xây nhà là gì?
Theo Điều 93 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 32 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020; sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019 và bị thay thế một số nội dung bởi điểm a khoản 3 Điều 39 Luật Kiến trúc 2019 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ như sau:
[1] Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:
– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
– Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
– Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định yêu cầu về thiết kế;
– Có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
[2] Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại mục [1] và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
[3] Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Mức lệ phí trước bạ người dân cần nộp khi xây dựng nhà ở là bao nhiêu?
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BTC quy định về giá tính lệ phí trước bạ như sau:
Giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà được xác định như sau:
Giá trị nhà tính lệ phí trước bạ (đồng) = Diện tích nhà chịu lệ phí trước bạ (m2) x Giá 01 m2 (đồng/m2) x Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ
Trong đó:
+ Diện tích nhà chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích sàn nhà (kể cả diện tích công trình phụ kèm theo) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
+ Giá 01 m2 nhà là giá thực tế xây dựng “mới” 01 m2 sàn nhà của từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
+ Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật. Nguồn Thư Viện Pháp Luật