Tiến hành tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp được quy định thế nào? Hãy cùng Luật Tân Thịnh Phát tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH thì tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp là hoạt động tự thu thập, phân tích, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động tại nơi sản xuất, kinh doanh.
Thời hạn tổ chức hoạt động tự kiểm tra
Thời hạn tổ chức hoạt động tự kiểm tra theo Điều 4 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
- Người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một (01) lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
- Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định.
- Thời kỳ tự kiểm tra: từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.
Nội dung tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
Theo Điều 5 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về nội dung tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động gồm:
♠ Nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm:
-
Việc thực hiện báo cáo định kỳ;
-
Việc tuyển dụng và đào tạo lao động;
-
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động;
-
Việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể;
-
Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi;
-
Việc trả lương cho người lao động;
-
Việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động;
-
Việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, lao động là người nước ngoài;
-
Việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất;
-
Việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia;
-
Việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động;
-
Nội dung khác mà người sử dụng lao động thấy cần thiết.
♠ Nội dung tự kiểm tra cụ thể được thiết kế thành phiếu tự kiểm tra theo từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đăng trên trang thông tin điện tử. Căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, người sử dụng lao động lựa chọn một (01) hoặc nhiều phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.
Trình tự tiến hành tự kiểm tra
Trình tự tiến hành tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động theo Điều 6 Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH như sau:
-
Căn cứ thời gian và kế hoạch tự kiểm tra đã xác định, người sử dụng lao động thành lập đoàn tự kiểm tra, đồng thời đăng ký tài khoản trên trang thông tin điện tử để lấy phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra.
-
Thành phần đoàn tự kiểm tra gồm: đại diện người sử dụng lao động làm trưởng đoàn; thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động; đại diện người lao động và thành phần khác có liên quan do người sử dụng lao động tự quyết định.
-
Đoàn tự kiểm tra tiến hành đối chiếu với các quy định pháp luật lao động hiện hành tương ứng theo từng nội dung tự kiểm tra để phân tích, so sánh và kết luận doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật lao động hay không và đưa ra biện pháp khắc phục nội dung không tuân thủ (nếu có).
-
Đối với những nội dung cần phải đến hiện trường sản xuất, kinh doanh, nơi làm việc của người lao động thì đoàn tự kiểm tra đến để xem xét, kiểm tra, cần thiết có giải pháp khắc phục ngay những vi phạm (nếu có).
-
Hồ sơ tự kiểm tra gồm phiếu tự kiểm tra, kết luận tự kiểm tra, văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra của doanh nghiệp và các tài liệu, hồ sơ phát sinh trong quá trình tự kiểm tra phải được lưu giữ trong hồ sơ quản lý doanh nghiệp để làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp.