QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP KINH DOANH KHAI THÁC VÀ QUẢN LÝ CHỢ
Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ là đơn vị hoạt động kinh doanh khai thác và quản lý chợ được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
1. Điều kiện để doanh nghiệp được kinh doanh khai thác chợ:
Theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009, Doanh nghiệp được kinh doanh khai thác và quản lý chợ khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đối với chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng: Doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao hoặc tổ chức đấu thầu để lựa chọn kinh doanh khai thác và quản lý chợ;
– Đối với chợ do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng có vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tổ chức, cá nhân khác, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền căn cứ mức độ, tỷ lệ góp vốn để lựa chọn chủ thể kinh doanh, khai thác và quản lý chợ là doanh nghiệp;
– Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đó tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ:
Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định dưới đây:
– Tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ.
– Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ.
– Xây dựng Nội quy chợ theo quy định trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ; tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các vi phạm về Nội quy chợ.
– Bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với yêu cầu của thương nhân kinh doanh tại chợ.
– Ký hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức thông tin kinh tế, phổ biến chính sách, quy định của pháp luật và nghĩa vụ đối với Nhà nước của thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
– Tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh của chợ và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
3. Tài chính của doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ
Các khoản thu từ hoạt động chợ: Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ được thu các khoản sau:
Thu về cho thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ; cung cấp dịch vụ, hàng hoá:
– Thu tiền thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo hợp đồng sử dụng, thuê điểm kinh doanh;
– Thu từ việc cung cấp các dịch vụ bốc xếp hàng hoá, kho bãi để lưu giữ hàng hoá, dịch vụ bảo vệ theo hợp đồng cụ thể và các dịch vụ khác;
– Thu khác: Thu được trích để lại theo hợp đồng uỷ nhiệm thu (thu phí, thu tiền điện, nước và các khoản có liên quan đến hoạt động kinh doanh tại chợ); thu tiền phạt, tiền bồi thường hợp đồng(nếu có) đối với các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh tại chợ do vi phạm các quy định trong hợp đồng kinh tế ký kết với Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ.
Các loại phí theo quy định, bao gồm:
– Phí chợ;
– Phí trông giữ xe;
– Phí vệ sinh;
Mức thu các loại phí nêu trên thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng dẫn chung của Bộ Tài chính.
– Phí phòng cháy, chữa cháy: Mức và cách thức quản lý thu nộp theo quy định của Bộ Tài chính.
Việc quản lý, sử dụng các khoản phí nêu trên phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí, cụ thể:
+ Đối với chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng, các khoản phí nêu trên là khoản thu của Ngân sách Nhà nước, Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ được trích lại một phần từ số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí..
+ Đối với chợ không do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho doanh nghiệp để kinh doanh khai thác và quản lý chợ thì các loại phí quy định tại Thông tư này là phí không thuộc Ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí sau khi đã nộp thuế.
Quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ở chợ:
– Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ được thu các khoản thu nêu trên.
– Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải xây dựng kế hoạch kinh doanh và phương án tài chính cho hoạt động của mình. Việc xây dựng phương án tài chính dựa trên cơ sở các khoản thu để sử dụng chi cho các mục đích như hoàn trả vốn đầu tư xây dựng chợ, các chi phí cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.
– Tuỳ thuộc vào loại hình tổ chức (doanh nghiêp, hợp tác xã, công ty cổ phần) và quy mô hoạt động của các loại chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ được áp dụng các quy định hiện hành phù hợp với mỗi loại hình để tổ chức công tác kế toán, thống kê, quản lý và sử dụng các khoản thu, chi liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải thực hiện chế độ quyết toán và báo cáo tài chính doanh nghiệp theo các quy định pháp luật.