Năm 2023, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định như thế nào? Trường hợp nào đương nhiên trở thành người đại diện của doanh nghiệp?

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?

Hiện nay, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 cụ thể:

Điều 12. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật được hiểu là một cá nhân đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.

Số lượng người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp Số lượng người đại diện theo pháp luật
Doanh nghiệp tư nhân 01 người
Công ty hợp danh Tùy thuộc vào số lượng thành viên hợp danh
Công ty TNHH MTV Có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, do Điều lệ công ty quy định.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty cổ phần

Lưu ý: Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. 

Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

2. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có được ủy quyền lại cho người khác không?

Theo khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Do đó, nếu hết thời hạn ủy quyền nêu trên mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

– Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

– Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Lưu ý: Đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

3. Một số trường hợp đương nhiên trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Theo khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty thuộc một trong các trường hợp sau:

– Chết, mất tích;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Bị tạm giam;

– Đang chấp hành hình phạt tù;

– Đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

– Trốn khỏi nơi cư trú;

– Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

– Có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc

– Bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Khi đó, thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định đối với công ty cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. 

– Nếu Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. 

– Nếu công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

đăng ký tư vấn luật

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây hoặc liên hệ hotline 0908222630 | Hoàng Yến: 0909.222.630