Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện gì?
1. Giấy phép tài nguyên nước bao gồm những giấy phép gì?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, giấy phép tài nguyên nước bao gồm:
– Giấy phép thăm dò nước dưới đất;
– Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt;
– Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;
– Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.
2. Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước mới nhất năm 2023
Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định Nghị định 02/2023/NĐ-CP.
– Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phế duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.
Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
– Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Luật Tài nguyên nước 2012, điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này và các điều kiện sau đây:
+ Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;
+ Có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
3. Các nội dung chính trong giấy phép tài nguyên nước
Cụ thể tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, giấy phép tài nguyên nước có các nội dung chính sau:
– Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;.
– Tên, vị trí công trình thăm dò, khai thác nước;
– Nguồn nước thăm dò, khai thác;
– Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước; mục đích sử dụng đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước;
– Chế độ, phương thức khai thác, sử dụng nước;
– Thời hạn của giấy phép;
– Các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan;
– Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép.
4. Các trường hợp thu hồi giấy phép tài nguyên nước
Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
– Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;
– Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;
– Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép, tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của giấy phép;
– Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
– Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.