Làm thế nào để xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động kinh doanh Logistics?
1. Giới hạn trách nhiệm là gì?
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 163/2017/NĐ-CP, giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP.
2. Cách xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động kinh doanh logistics
Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp pháp luật liên quan không quy định sẽ do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên không có thoả thuận thì thực hiện như sau:
– Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường.
– Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
Bên cạnh đó, giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
* Lưu ý: Giới hạn trách nhiệm đối với trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.
(Khoản 2, 3 và 4 Điều 5 Nghị định 163/2017/NĐ-CP)
3. Trường hợp không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh logistics
Cụ thể khoản 3 Điều 238 Luật Thương mại 2005 quy định thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu người có quyền và lợi ích liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do:
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cố ý hành động hoặc không hành động để gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ;
Hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách mạo hiểm và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn xảy ra.
4. Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh logistics
Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:
– Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
– Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
– Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;
– Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
– Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
– Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Bên cạnh đó, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.
(Điều 237 Luật Thương mại 2005)