Điều kiện làm việc với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ (Hình từ Internet)
1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là ai?
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013 thì cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ.
2. Điều kiện làm việc với cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Theo Điều 8 Nghị định 40/2014/NĐ-CP thì cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ được tạo các điều kiện làm việc sau đây:
– Được tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện, trang thiết bị, vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác từ kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
– Được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, địa phương xem xét hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; công bố kết quả khoa học và công nghệ trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín;
Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng, trừ trường hợp kinh phí thực hiện các nội dung nêu trên đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
– Được các thư viện, tổ chức thông tin khoa học và công nghệ công lập tạo điều kiện tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để thực hiện nhiệm vụ.
– Cá nhân được bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I trong các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ kinh phí sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trừ trường hợp kinh phí này đã được dự toán trong kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
3. Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Quyền của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo Điều 20 Luật Khoa học và công nghệ 2013 như sau:
– Tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động khoa học và công nghệ.
– Tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác để hoạt động khoa học và công nghệ, ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ.
– Được tạo điều kiện để tham gia, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên.
– Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
– Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
– Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và quy định khác của pháp luật.
– Góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh; nhận tài trợ để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.
– Tư vấn, đề xuất ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước với cơ quan có thẩm quyền, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên và tham gia giám sát việc thực hiện.
– Tham gia tổ chức khoa học và công nghệ, hội, hiệp hội khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo khoa học và công nghệ; tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
– Được xét công nhận, bổ nhiệm vào chức danh quy định tại Điều 19 Luật Khoa học và công nghệ 2013.
– Được khen thưởng, hưởng quyền ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
4. Nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ
Nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo Điều 21 Luật Khoa học và công nghệ 2013 như sau:
– Đóng góp trí tuệ, tài năng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đã ký kết.
– Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giao.
– Đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
– Giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.