Nguồn: Báo Thanh niên
Ngày 24.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết tình hình chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.
Trong các giải pháp đề ra, UBND TP.HCM yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp BHXH TP.HCM thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị. Đồng thời, đề nghị xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, theo điều 216 bộ luật Hình sự; hoặc yêu cầu các DN chậm đóng xây dựng kế hoạch cam kết và thực hiện nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT theo tiến độ.
Yêu cầu này của UBND TP.HCM xuất phát từ thực trạng nợ BHXH trên địa bàn TP.HCM không có chiều hướng kéo giảm. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 82.000 DN chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền hơn 6.222 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 40.000 đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng với số tiền chậm đóng hơn 1.632 tỉ đồng; hơn 7.000 đơn vị chậm đóng từ 3 đến dưới 6 tháng với số tiền chậm đóng hơn 423 tỉ đồng; hơn 5.000 đơn vị chậm đóng từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với số tiền chậm đóng hơn 569 tỉ đồng. Đáng lưu ý, có gần 29.500 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên với số tiền chậm đóng hơn 3.392 tỉ đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, một trong những nguyên do không có đơn vị nào bị đưa ra xét xử là vì quan điểm không phải “trốn đóng” mà là “chậm đóng”, không có tiền đóng. Mặc dù có Nghị quyết 05 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giải thích thế nào là trốn đóng BHXH nhưng không áp dụng được.
Chính vì vậy, bà Thúy cho rằng các cơ quan phải ngồi lại đánh giá việc áp dụng nghị quyết này. Song song đó, đề xuất cần phải định nghĩa cụ thể trong văn bản luật về tội trốn đóng BHXH, bao gồm việc chủ sử dụng lao động trốn khỏi nơi lao động sản xuất và thời gian bao lâu không đóng BHXH thì được xem trốn đóng BHXH.