Mức đóng BHYT từ ngày 01/7/2024 sẽ thay đổi như thế nào?
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó chính thức thông qua thời điểm thực hiện cải cách tiền lương là ngày 01/7/2024.
Theo đó khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương thì sẽ bãi bỏ chế độ tiền lương tính theo mức lương cơ sở. Mặt khác mức đóng BHYT được tính theo lương cơ sở (hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng). Điều này đồng nghĩa với việc mức đóng BHYT từ ngày 01/7/2024 có thể sẽ thay đổi.
Lưu ý: Mức đóng BHYT tính theo lương cơ sở chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng nhất định theo Luật Bảo hiểm y tế 2008.
Mức tiền lương tháng đóng BHYT tối đa là bao nhiêu?
Tại Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT như sau:
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế
1. Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
2. Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
3. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
4. Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở.
5. Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, mức tiền lương tháng đóng BHYT tối đa sẽ bằng 20 lần mức lương cơ sở nghĩa là 36.000.000 đồng (mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng).
Ai được nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT?
Tại Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP có quy định 05 nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT bao gồm:
(1) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
(2) Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(3) Học sinh, sinh viên.
(4) Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.
(5) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý: Đối với đối tượng 5 thì Ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT trong thời gian 36 (ba mươi sáu) tháng kể từ ngày 01/11/2023 (theo quy định tại Điều 3 Nghị định 75/2023/NĐ-CP).
Cá nhân không được hưởng bảo hiểm y tế khi nào?
Tại khoản 7 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định cá nhân không được hưởng bảo hiểm y tế khi thuộc một trong các trường hợp sau:
– Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế 2008 đã được ngân sách nhà nước chi trả.
– Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
– Khám sức khỏe.
– Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
– Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.
– Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
– Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.
– Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
– Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
– Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.
– Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
– Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Nguồn Thư Viện Pháp Luật