Đối tượng nào từ chối nhận di sản?
Căn cứ Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định từ chối nhận di sản:
Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Theo quy định trên, đối tượng từ chối nhận di sản là người được thừa kế lại di sản của người đã mất. Trừ trường hợp từ chối di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Những đối tượng từ chối nhận di sản được quy định cụ thể như sau:
(1) Người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm:
+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm:
+ Cụ nội, cụ ngoại của người chết;
+ Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột;
+ Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
(2) Người thừa kế theo di chúc là người được hưởng di sản do người để lại di chúc (người lập di chúc) chỉ định trong di chúc hợp pháp.
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế 2024 được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng văn bản từ chối nhận di sản:
Công chứng văn bản từ chối nhận di sản
Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.
Người thừa kế từ chối nhận di sản phải lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
Như vậy, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người thừa kế từ chối nhận di sản nộp hồ sơ tại văn phòng công chứng;
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản.
– Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).
– Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).
– Di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
– Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).
Bước 2: Công chứng viên sẽ thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế
Mức phí công chứng văn bản từ chối nhận di sản là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 4 Thông tư Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định mức phí đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch như sau:
Như vậy, mức phí công chứng văn bản từ chối nhận di sản là 20.000 đồng/ trường hợp.
Nguồn Thư Viện Pháp Luật