Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)
1. Người nước ngoài là ai?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
2. Các hình thức để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
– Thực hiện hợp đồng lao động.
– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp.
– Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế.
– Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng.
– Chào bán dịch vụ.
– Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Tình nguyện viên.
– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.
– Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật.
– Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Quy định về sử dụng lao động nước ngoài
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP) quy định sử dụng lao động nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện:
– Xác định nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài:
+ Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP).
Mẫu số 01/PLI |
Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP) trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Mẫu số 02/PLI |
+ Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
– Chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
4. Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt hành chính người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
+ Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định;
+ Không gửi hợp đồng lao động bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đã ký kết sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
+ Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
+ Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
+ Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. (Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)