Công ty tạm ngừng hoạt động do khó khăn có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không?
Căn cứ theo Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:
a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;
b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
2. Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và các trường hợp khác tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.
2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:
a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Theo đó, trường hợp công ty tạm ngừng hoạt động do khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội và thuộc các trường hợp dưới đây thì sẽ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động:
– Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;
– Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).
Hồ sơ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021 về thủ tục hồ sơ và quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thành phần hồ sơ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất gồm những giấy tờ sau:
– Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, theo Mẫu D02-LT ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH năm 2020;
– Hồ sơ đề nghị của đơn vị (văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại của cơ quan có thẩm quyền).
Thủ tục đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Công ty lựa chọn nộp hồ sơ theo một trong các hình thức sau:
– Lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia;
– Qua Bưu chính;
– Nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp.
Bước 2: Nhận kết quả giải quyết theo các hình thức đã đăng ký tương ứng.
Thời hạn giải quyết: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.
Nguồn Thư Viện Pháp Luật