Sẽ nghiên cứu xây dựng ngành luật mới về quyền con người
Để bảo đảm đạt được các mục tiêu của Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị các cơ quan tham gia thực hiện Đề án tập trung một số nhiệm vụ sau đây:
– Thứ nhất, các cơ quan tham gia Đề án cần rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ được phân công, điều chỉnh Kế hoạch hoạt động và triển khai kịp thời các hoạt động của Đề án cho phù hợp với yêu cầu. Kế hoạch hoạt động cần cụ thể, xác định rõ nội dung, yêu cầu, kết quả của từng hoạt động. Bên cạnh đó cần xác định rõ lộ trình, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện.
Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch tài chính thích hợp phục vụ cho các hoạt động của Đề án.
– Thứ hai, các cơ quan tham gia Đề án cần bố trí nhân sự bảo đảm tính ổn định và có đủ điều kiện để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.
– Thứ ba, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ trì, điều phối, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án; tổ chức triển khai việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
– Thứ tư, Bộ Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, bảo đảm nguồn lực để các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Giáo dục quyền con người là công việc thường xuyên, lâu dài và cần được bố trí ngân sách thường xuyên hằng năm.
– Thứ năm, các sản phẩm của Đề án cần được cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Xác định các mục tiêu, đối tượng, phương pháp giáo dục rõ ràng và nghiên cứu, đề xuất để tiếp tục triển khai hoạt động giáo dục quyền con người ở giai đoạn tiếp theo; mở rộng đối tượng hưởng lợi, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng không chỉ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, sau đại học trong hệ thống cơ sở giáo dục của Trung ương và địa phương mà còn trong các cơ quan (lập pháp, tư pháp, truyền thông, ngoại giao…) của cả hệ thống chính trị;
Nghiên cứu, xem xét xây dựng ngành luật mới về quyền con người; mở rộng thêm các cơ quan thực hiện đề án, xác định rất rõ nhiệm vụ, không chỉ giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức mà cần phải bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động thực tiễn ở các bộ, ngành và địa phương; xây dựng kế hoạch truyền thông, thông tin dữ liệu về quyền con người gắn với Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định 1079/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
– Thứ sáu, thống nhất với kiến nghị của Ban điều hành Đề án về việc: (i) Tổ chức Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người vào thời điểm phù hợp; (ii) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc nghiên cứu, xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình giai đoạn mới.