1. Điểm mới nổi bật về xử phạt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ ngày 01/7/2024
Từ ngày 01/7/2024, Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, bổ sung nhiều quy định mới về xử phạt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Đơn cử như sau:
1.1. Mức phạt với hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời
Căn cứ điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài việc bị xử phạt tiền nêu trên, căn cứ điểm d khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.
Nhiều điểm mới về xử phạt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp từ 01/7/2024
1.2. Mức phạt với hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời
Căn cứ điểm b khoản 9 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP hành vi sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài việc bị xử phạt tiền nêu trên, căn cứ điểm d khoản 9 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là trả tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.
1.3. Mức phạt với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
Căn cứ điểm b khoản 13 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Căn cứ điểm d khoản 18 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, ngoài mức phạt tiền nêu trên còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
2. Lưu ý về mức phạt tiền
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tại Mục 1 của bài viết này là mức phạt áp dụng với cá nhân vi phạm; trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần cá nhân vi phạm.
Điều 131. Quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí – Luật Sở hữu trí tuệ 2005
1. Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
2. Đối với thiết kế bố trí đã được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại trước ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nếu người có quyền đăng ký biết rằng thiết kế bố trí đó đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đó có quyền thông báo bằng văn bản về quyền đăng ký của mình đối với thiết kế bố trí đó cho người sử dụng để người đó chấm dứt việc sử dụng thiết kế bố trí hoặc tiếp tục sử dụng.
3. Trong trường hợp đã được thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì khi Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được cấp, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.