1. Những điều cần lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh khi thực hiện đăng ký thành lập cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
1.1. Quy định chung về hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh có hồ sơ pháp lý, được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
1.2. Chủ thể có quyền thành lập hộ kinh doanh
(i) Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định, trừ các trường hợp sau đây:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
(ii) Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định nêu trên chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
(iii) Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
1.3. Đặt tên cho hộ kinh doanh
– Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Cụm từ “Hộ kinh doanh”.
+ Tên riêng của hộ kinh doanh. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
– Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
– Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.
Ví dụ: Hộ kinh doanh Nguyễn A; Hộ kinh doanh chế biến nông sản thực phẩm Hoàng Yến, …
1.4. Địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.
Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
1.5. Ngành, nghề kinh doanh
– Khi đăng ký thành lập, hộ kinh doanh ghi tên ngành và mã ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg) trong Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh chính (Xem chi tiết Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh). Đối với các ngành, nghề kinh doanh khác, hộ kinh doanh được ghi tự do (free text) và không cần ghi mã ngành cấp bốn.
Cụ thể, việc ghi ngành, nghề kinh doanh chính được thực hiện như sau:
+ Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
+ Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
+ Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.
+ Trường hợp hộ kinh doanh có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì hộ kinh doanh lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của hộ kinh doanh phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
STT |
Tên ngành |
Mã ngành |
01 | Bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng
Chi tiết: Bán buôn gỗ cây, tre, nứa. |
4663 |
– Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
1.6. Vốn kinh doanh
Khác với các loại hình doanh nghiệp là sử dụng vốn điều lệ, vốn đầu tư thì hộ kinh doanh sẽ sử dụng vốn kinh doanh để thực hiện kê khai khi đăng ký thành lập. Có thể hiểu, vốn kinh doanh là tổng giá trị tài sản do các cá nhân đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập hộ kinh doanh.
Hiện tại, không có quy định mức vốn kinh doanh tối thiểu phải góp khi thành lập hộ kinh doanh; trừ một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định (tức là pháp luật có quy định mức vốn tối thiểu để được kinh doanh ngành, nghề đó).
1.7. Ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Chủ hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, cụ thể như sau:
– Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, kèm theo hồ sơ đăng ký phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
– Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, kèm theo hồ sơ đăng ký phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
– Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thì khi thực hiện thủ tục đăng ký, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do hộ kinh doanh cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và chủ hộ kinh doanh.
– Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh thì việc ủy quyền thực hiện như đối với trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện.
Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet
2. Thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh được thực hiện theo thủ tục sau đây:
2.1. Thành phần hồ sơ
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT);
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
2.2. Nơi nộp hồ sơ
Hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Phòng Tài chính – Kế hoạch không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nêu bên trên.
2.3. Thời hạn giải quyết
Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.