Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN

1. Trách nhiệm trích nộp tiền bảo hiểm

Sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN để đóng cho Cơ quan bảo hiểm theo quy định. Cụ thể:

– Hàng tháng, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng, người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN của từng người lao động theo mức quy định để chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

– Ngoài ra, đối với các đơn vị là doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

(Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 và khoản 1 Điều 3 Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023).

2. Mức đóng các loại bảo hiểm

2.1. Đối với người lao động Việt Nam

Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 cho người lao động Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh như sau:

Loại bảo hiểm Người lao động Việt Nam Doanh nghiệp
Bảo hiểm xã hội Hưu trí, tử tuất 8% 14%
Ốm đau, thai sản 3%
Bảo hiểm y tế 1,5% 3%
Bảo hiểm thất nghiệp 1% 1%
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,5% (*)
Tổng mức đóng 10,5% 21,5%

Lưu ý: Mức đóng bảo hiểm xã hội này được tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Căn cứ pháp lý:

– Khoản 1, Điều 85 khoản 1 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

– Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13).

– Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

– Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013.

– Khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.

2.2. Đối với người lao động nước ngoài

Mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh (tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc):

Loại bảo hiểm Người lao động nước ngoài Doanh nghiệp
Bảo hiểm xã hội Hưu trí, tử tuất 8% 14%
Ốm đau, thai sản 3%
Bảo hiểm y tế 1,5% 3%
Bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,5% (*)
Tổng mức đóng 9,5% 20,5%

Căn cứ pháp lý:

– Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

– Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13).

– Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

– Điều 2, khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 (người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp).

– Khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.

Chú giải:

(*) Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng 0,3% nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội.

– Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

– Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

3. Tiền lương tháng tính đóng các loại bảo hiểm

3.1. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, cụ thể:

(i) Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

(ii) Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

– Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

– Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

(iii) Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:

– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

– Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.

3.2. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

3.3. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

3.4. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người đại diện phần vốn nhà nước không chuyên trách tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước sau cổ phần hóa; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là tiền lương theo chế độ tiền lương của cơ quan, tổ chức đang công tác trước khi được cử làm đại diện phần vốn nhà nước.

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người đại diện phần vốn nhà nước chuyên trách tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty là tiền lương theo chế độ tiền lương do tập đoàn, tổng công ty, công ty quyết định.

3.5. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Mục 3 này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

3.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

(Căn cứ khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023).

4. Công cụ tính tiền lương sau khi đóng bảo hiểm xã hội

>> Xem thêm: Công cụ chuyển lương Gross sang Net và ngược lại (đã cập nhật quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2024)..

5. Biểu mẫu tham khảo

– Báo cáo tổng hợp tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN – Mẫu số B03a-TSW ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Báo cáo tổng hợp Tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN – Mẫu số B03a-TST ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Báo cáo tổng hợp Tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN – Mẫu số B03a-TSH ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Danh sách giải quyết BHXH một lần còn thời gian BHTN chưa hưởng; người tham gia hưởng, dừng hưởng, hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp – Mẫu số D16-TS ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Tổng hợp số tiền thù lao đã chi phải thu hồi – Mẫu số D11d-HT ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Tổng hợp số tiền thù lao đã chi phải thu hồi – Mẫu số D11c-HT ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Quyết định hoàn trả tiền thu BHXH, BHYT – Mẫu số C16-TS ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Phiếu điều chỉnh – Mẫu số C02-TS ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Đối chiếu biên lai thu tiền đóng BHXH tự nguyện. BHYT – Mẫu số C17-TS ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

– Danh sách người chờ hưởng chế độ hưu trí đã được cấp thẻ BHYT – Mẫu số C22-TS ban hành kèm theo Quyết định 948/QĐ-BHXH ngày 05/6/2023.

đăng ký tư vấn luật

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây hoặc liên hệ hotline 0908222630 | Hoàng Yến: 0909.222.630