Bỏ bằng B2 bằng nào sẽ thay thế? Bỏ bằng B2 có phải đi thi lại không?
Sắp tới, Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Theo dự thảo, từ ngày 01/07/2024 bằng lái xe hạng B2 sẽ bị bãi bỏ, những người có bằng lái B2 vẫn có thể tiếp tục sử dụng và không phải thi lại. Việc cấp đổi mới chỉ thực hiện khi bằng lái hết hạn hoặc bị mất. Và khi bỏ bằng B2 thì bằng B sẽ thay thế.
Bằng lái xe hạng B sẽ được điều khiển các phương tiện sau:
– Ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe);
– Ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg;
– Các loại ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có kéo theo rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750kg.
Chính phủ đề xuất chia giấy phép lái xe thành 15 hạng như sau: A1; A; B1; B; C1; C; D1; D2; D; BE; C1E; CE; D1E; D2E và DE.
Bằng lái xe hạng B1, B2 được điều khiển xe gì?
Tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định phân hạng giấy phép lái xe như sau:
(1) Bằng lái xe hạng B1
Hạng B1 số tự động:
– Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Ô tô dùng cho người khuyết tật.
Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe:
– Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
(2) Bằng lái xe hạng B2
– Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Ô tô dùng cho người khuyết tật.
– Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
– Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
– Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Thời hạn của bằng lái xe B1, B2 là bao lâu?
Tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT có quy định về thời hạn của giấy phép lái xe như sau:
Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
5. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.
Như vậy, thời hạn của bằng lái xe B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Thời hạn của bằng lái xe B2 là 10 năm kể từ ngày cấp.
Hết hạn bằng lái xe có bắt buộc phải thi lại không?
Tại khoản 1 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cấp lại giấy phép lái xe như sau:
Cấp lại giấy phép lái xe
1. Người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng
a) Từ 03 tháng đến dưới 01 năm, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe;
b) Từ 01 năm trở lên, kể từ ngày hết hạn, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại giấy phép lái xe.
Hồ sơ dự sát hạch lại thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 của Thông tư này.
Như vậy, khi hết hạn bằng lái xe việc cấp lại được quy định như sau:
– Từ 03 tháng đến dưới 01 năm kể từ ngày hết hạn: Thi sát hạch lại lý thuyết
– Từ 01 năm trở lên kể từ ngày hết hạn: Thi sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.