Ngày 28/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP, trong đó đã đưa ra các tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền.
Các tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền (Hình từ Internet)
Chính phủ ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
1. Ai là chủ sở hữu hưởng lợi?
Theo khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một hoặc một số tài sản, có quyền chi phối khách hàng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này; là cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý.
2. Các tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 19/2023/NĐ-CP, việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền được dựa trên các tiêu chí sau đây:
(1) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là cá nhân như sau:
– Trường hợp khách hàng mở tài khoản, đối tượng báo cáo xác định cá nhân sở hữu thực tế một tài khoản hoặc chi phối hoạt động của tài khoản đó;
– Trường hợp khách hàng thiết lập mối quan hệ với đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo xác định cá nhân thiết lập mối quan hệ và thực tế chi phối mối quan hệ đó.
(2) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là tổ chức như sau:
(i) Đối tượng báo cáo xác định cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của tổ chức đó hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với khách hàng là tổ chức;
(ii) Trường hợp không xác định được cá nhân theo quy định tại (i), đối tượng báo cáo xác định ít nhất một người đại diện theo pháp luật của tổ chức, trừ trường hợp cá nhân đại diện vốn nhà nước trong tổ chức;
(iii) Trường hợp tổ chức là doanh nghiệp đã niêm yết trên các thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài, đồng thời thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của tổ chức đã được công bố, đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân được công bố đó.
(3) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với thỏa thuận pháp lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
(4) Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cá nhân thực tế thụ hưởng quyền lợi của người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trước đây, đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của khách hàng và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi thông qua các tiêu chí sau:
– Cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch: Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động của tài khoản hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó; – Cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối, kiểm soát pháp nhân đó; – Cá nhân có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền. (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 116/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP) |
3. Các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi trong phòng, chống rửa tiền
Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi bao gồm thông tin nhận dạng khách hàng tương ứng quy định tại các điểm a, b, c, d hoặc đ khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, cụ thể như sau:
(i) Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc; số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có);
(ii) Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc; số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số thị thực nhập cảnh,
Trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;
(iii) Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số Hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ cư trú ở nước ngoài;
(iv) Đối với khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên: thông tin tương ứng quy định tại (i), (ii) hoặc (iii) tại mục 3; quốc tịch, địa chỉ cư trú ở quốc gia mang quốc tịch còn lại;
(v) Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (nếu có), số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh.
Trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài (nếu có), địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam.
(Khoản 2 Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022)
Nghị định 19/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ quy định về mức giá trị giao dịch tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 19/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12 /2023.
Trong thời gian điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 19/2023/NĐ-CP chưa có hiệu lực thi hành, đối tượng báo cáo tiếp tục thực hiện quy định về mức giá trị giao dịch tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định 116/2013/NĐ-CP.