Các vấn đề bất cập về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Hình từ internet)
Các bất cập vấn đề bất cập về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Bộ Công an đang dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm: Dự thảo Báo cáo đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân xác định một số vấn đề bất cập tổng quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng
Hiến pháp 2013 đã kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21). Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 01 văn bản là Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản Luật nào định nghĩa về vấn đề này. Điều này đặt ra thực trạng là phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp 2013, cùng các quy định liên quan tới “thông tin cá nhân”, “thông tin riêng”, “thông tin số”; “thông tin cá nhân trên môi trường mạng”; “thông tin bí mật đời tư”… được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.
Theo quy định của Hiến pháp 2013, chỉ có văn bản luật được quyền quy định các nội dung liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến quy định một số trường hợp liên quan tới tiết lộ, xử lý dữ liệu cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người. Mặc dù đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định một số trường hợp tại Điều 17. Tuy nhiên, về mặt pháp lý và để bảo đảm quy phạm đầy đủ các trường hợp khác trong thực tiễn, cần ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định các nội dung nêu trên.
Hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Hầu hết các công ước, khuyến nghị và tiêu chuẩn khu vực về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân đều tuân thủ Nguyên tắc bảo mật của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm Công ước của Hội đồng châu Âu về bảo vệ cá nhân liên quan đến tự động xử lý thông tin và dữ liệu cá nhân (sau đây là Công ước 108), Hướng dẫn của Liên hợp quốc về các tệp thông tin và dữ liệu cá nhân được vi tính hóa, Khung bảo mật hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Các tiêu chuẩn quốc tế về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân (Nghị quyết Madrid), Luật của Tổ chức các quốc gia Hoa Kỳ (OAS) về bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân năm 2014, và gần đây là Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR). Hiện nay, đã có hơn 130 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu đối với phải ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.
Dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý
Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai .
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý , nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.
Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nước ta đã có một số quy định về chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân, chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về chế tài hình sự: Chưa có chế tài hình sự về dữ liệu cá nhân. Vi phạm các quy định về thông tin cá nhân có thể bị xử phạt hình sự theo 02 tội danh tại Điều 159 và Điều 288 , với án tù giam cao nhất là 07 năm theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015. Hầu hết các vụ việc buôn bán dữ liệu cá nhân đang được hoàn thiện theo hướng chứng minh 02 tội danh này. Tuy nhiên, do chưa quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành trong hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân, nhất là hoạt động có sự trung gian qua nhiều cá nhân, tổ chức nên khó chứng minh tội phạm.
Xem thêm tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.