1. Dự kiến sẽ có tổng đài phòng chống bạo lực gia đình
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, dự kiến sẽ có tổng đài phòng chống bạo lực gia đình với một số quy định như sau:
* Nhiệm vụ của tổng đài phòng chống bạo lực gia đình:
– Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thông qua điện thoại.
– Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng để kiểm tra thông tin, tố cáo, tố giác ban đầu về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác hoặc giới thiệu người bị bạo lực gia đình tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được được bảo vệ, hỗ trợ.
– Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Tư vấn, hỗ trợ người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp người bị bạo lực gia đình là người yếu thế trong gia đình; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
– Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với các vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình do Tổng đài phát hiện, tiếp nhận; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổng đài phòng chống bạo lực gia đình:
– Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
– Được sử dụng chung số điện thoại 111, không thu phí viễn thông đối với người gọi đến, gọi đi và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
– Được tiếp nhận viện trợ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; được quảng bá số điện thoại và các dịch vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật.
2. Bổ sung một số định nghĩa trong phòng chống bạo lực gia đình
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định một số định nghĩa trong phòng chống bạo lực gia đình như sau:
– Đến gần người bị bạo lực gia đình khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phạm vi tiếp xúc với người bị bạo lực ở khoảng cách dưới 50m trong điều kiện không có tường hoặc vách ngăn kiên cố bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình.
– Người yếu thế trong gia đình bao gồm: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 18 tháng, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng tự chăm sóc.
– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cơ quan Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ quan Công an; cơ quan nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình hoặc tổ chức chính trị – xã hội, chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế mà người bị bạo lực gia đình là hội viên, thành viên, người lao động.
– Cá nhân có thẩm quyền là người thi hành công vụ, nhiệm vụ do Tổ chức hoặc người đứng đầu tổ chức phân công hoặc trực tiếp thực hiện theo quyền được pháp luật quy định.