CSGT có được hóa trang xử lý vi phạm nồng độ cồn?

CSGT có được hóa trang xử lý vi phạm nồng độ cồn? (Hình từ internet)

1. CSGT có được hóa trang xử lý vi phạm nồng độ cồn?

Cụ thể tại Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang như sau:

Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm:

– Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

– Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA;

– Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

– Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện theo quy định trên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;

– Bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.

Như vậy, có thể thấy CSGT dù mặc thường phục nhưng vẫn có quyền tuần tra, giám sát người vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, họ không được trực tiếp xử lý khi phát hiện vi phạm mà phải thông báo, phối hợp với bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng thì được phép ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm nồng độ cồn ô tô, xe máy cao nhất là bao nhiêu?

Căn cứ theo Điều 5 và Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi 2021) quy định như sau:

– Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe máy tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

– Mức phạt tiền cao nhất đối với người lái xe ô tô tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn là 40 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến tối đa 24 tháng, tương ứng với mức nồng độ cồn vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

đăng ký tư vấn luật

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây hoặc liên hệ hotline 0908222630 | Hoàng Yến: 0909.222.630