Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật để phòng, chống bạo lực trong gia đình, đặc biệt là bạo hành đối với trẻ em.
Chương trình tuyên truyền pháp luật bằng phiên tòa giả định được diễn ra với sự tham gia đóng vai của các luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.HCM diễn cảnh trước toàn thể học sinh khối lớp 4 và lớp 5 của Trường tiểu học Phạm Văn Hai, ban giám hiệu nhà trường và một số cán bộ địa phương, cùng nhiều phụ huynh học sinh.
Nội dung phiên tòa giả định là một vụ án có thật, đã xảy ra trên địa bàn giáp ranh với thành phố, được các luật sư biên tập lại. Từ đó, các luật sư đã cho diễn viên diễn lại tiểu phẩm thể hiện tình huống sự việc diễn ra nhằm tạo sự sinh động để các bé hiểu được câu chuyện ngay từ khi bắt đầu.
Cụ thể, Lê Hoài Nam là cha dượng của bé Nguyễn Thanh Lê (12 tuổi). Nam đi uống rượu về thấy cháu Lê lại tè dầm ra đệm, Nam đã la mắng và đánh cháu Lê. Lúc này, cháu Lê la khóc và van xin ba đừng đánh con, nhưng Nam vẫn tiếp tục đánh cháu. Cháu Lê chạy ra ngoài cầu cứu mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết nhưng bị Nam ôm lại ném xuống nệm, sau đó dùng tay tiếp tục đánh vào mặt của cháu. Sau gần 4 phút, chị Tuyết mới vào can ngăn, Nam lớn tiếng đòi đánh chị Tuyết. Sự việc được những người cùng xóm trọ dùng điện thoại quay lại và đưa lên mạng xã hội vì thấy hành vi của Nam quá hung hang nên không dám tiếp cận can ngăn. Công an địa phương vào cuộc. Qua quá trình điều tra, Lê Hoài Nam đã khai nhận nhiều lần thực hiện hành vi đánh đập cháu Lê.
Phần phiên tòa giả định được các luật sư vào vai diễn lại phiên tòa xét xử bị cáo Lê Hoài Nam đã được Công an thụ lý hồ sơ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Viện kiểm sát nhân dân huyện đã truy tố và Tòa án nhân dân huyện đã xét xử bắt đầu bằng phần xét hỏi cho đến khi kết thúc.
Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lê Hoài Nam phạm tội “Hành hạ người khác”. Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 140, điểm s khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt: Lê Hoài Nam 2 năm tù, thời hạn tính từ ngày bị cáo thi hành bản án.
Trong những năm qua, việc trẻ em bị bạo hành diễn ra vô cùng phức tạp, đặc biệt nhiều vụ việc được diễn ra trong chính ngôi nhà mà các em sinh sống. Những người bạo hành các em không ai khác mà đó là những người thân trong gia đình hay các thành viên khác trong gia đình. Những vụ việc được đưa ra trước ánh sáng của pháp luật chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Bên cạnh đó còn có những vụ việc được sự thỏa hiệp của người lớn nên đối tượng bạo hành đã bị bỏ qua, không bị pháp luật trừng trị.
Bên cạnh việc trẻ bị bạo hành tại gia đình thì tại trường học thỉnh thoảng vẫn có những vụ việc bạo lực đối với học sinh.
Trẻ em bị bạo hành về thể chất và tinh thần để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Các em bị san chấn tâm lý, không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, không thể tiếp tục việc học hành, tự thu mình và không có sự giao tiếp, điều đó đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, lành mạnh của trẻ em.
Theo ban tổ chức, người lớn sinh sống tại cộng đồng dân cư hãy lên tiếng khi có hành vi bạo hành đối với trẻ em xảy ra, cho dù kẻ bạo hành trẻ là ai, là cha, là mẹ, là bố dượng hay là mẹ kế hoặc các thành viên khác trong gia đình. Chúng ta hãy lên tiếng dưới mọi hình thức có thể để bảo vệ trẻ em.