Sắp tới đây, NLĐ sẽ được nghỉ lễ liên tiếp 05 ngày dịp 30/4 -01/5. Theo đó, nhiều thắc mắc của NLĐ về tiền thưởng ngày lễ 30/4 – 01/5. Cụ thể, NSDLĐ có bắt buộc thưởng cho NLĐ trong dịp lễ này không? NLĐ có được ứng trước lương nếu chưa đến kỳ thanh toán lương không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó.
Ngoài ra, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Việc có thưởng cho người lao động hay không sẽ được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó. Điều này được quyết định bởi người sử dụng lao động.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thưởng hoặc không thưởng cho người lao động nhân dịp lễ 30/4 và 1/5.
Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động có ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp lễ 30/4 và 1/5 thì doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.
Xem thêm bài viết liên quan: NLĐ được trả lương bao nhiêu khi đi làm dịp lễ 30/4, 01/5?
NLĐ có được ứng lương tháng 4 khi nghỉ lễ 30/4 – 01/5?
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Số tiền này được người sử dụng lao động thanh toán theo đúng kỳ hạn mà các bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù chưa đến kỳ trả lương nhưng người lao động có thể tạm ứng trước tiền lương. Cụ thể, theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được tạm ứng lương trong các trường hợp sau:
– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng (căn cứ khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi (căn cứ khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm thời nghỉ việc nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng, riêng người lao động đi nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương (căn cứ khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Người lao động nghỉ hằng năm được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ (căn cứ khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Người lao động được tạm ứng 50% lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc để xác minh vụ việc vi phạm kỷ luật lao động (căn cứ khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động năm 2019).
Theo đó, từ những trường hợp trên, có thể thấy dù chưa đến kỳ lãnh lương nhưng người lao động hoàn toàn có thể ứng trước lương để tiêu ngày Lễ nếu có thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Vì vậy, người lao động có thể chủ động đề nghị về việc ứng trước lương tháng 04/2023 với người sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động đồng ý thì người lao động sẽ được nhận lương trước hạn.