TS. Nguyễn Đình Chiến – Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo 1 luật sửa 7 luật Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội trong đó có Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này là rất cần thiết và phù hợp, tháo gỡ được các vướng mắc trong quá trình thực hiện, góp phần tích cực vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Bổ sung quy định thẩm quyền quyết định hoàn thuế sẽ đảm bảo được sự thống nhất, thuận lợi và kịp thời hơn trong giải quyết hoàn thuế cho NNT
PV: Tại dự thảo 1 luật sửa 7 luật Bộ Tài chính trình Quốc hội lần này có nội dung đề xuất sửa Luật Quản lý thuế, với nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới nổi bật trong dự thảo luật?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Ban soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã rà soát đầy đủ các vướng mắc về cơ chế chính sách, các quy định của văn bản pháp luật liên quan ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019. Các vấn đề vướng mắc đó đã được đưa ra xem xét, tháo gỡ trong dự thảo Luật lần này.
Các nhóm quy định được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định để tháo gỡ các vướng mắc đó, có thể được kể đến, như: Sửa đổi quy định về mức tiền phải trả lãi khi cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế chậm đã được quy định lại để thống nhất với các quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Bổ sung quy định thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực nhằm gắn trách nhiệm của cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế có thẩm quyền giải quyết việc hoàn thuế. Quy định này đảm bảo được sự thống nhất, thuận lợi và kịp thời hơn trong giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế (NNT).
“Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các chủ thể phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh, nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.”
TS. Nguyễn Đình Chiến |
Ngoài ra, dự thảo luật bổ sung quy định công chức quản lý thuế có trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của NNT cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của NNT.
Quy định này đã làm rõ hơn trách nhiệm, phạm vi thực thi công vụ của công chức thuế phù hợp với thực tiễn công việc, giúp công chức thuế thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thuế chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ là kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ ba khi đã có đầy đủ thông tin, điều kiện để thực hiện cưỡng chế mà không bắt buộc phải thực hiện tất cả các đối tượng, giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm, trọng điểm có khả năng thu hồi nợ nhằm tăng cường hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định mốc thời gian tính tiền chậm nộp thuế kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đảm bảo thống nhất quy tắc về thời gian tính tiền chậm nộp tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định kê khai thuế thay trong giao dịch TMĐT đối với các sàn TMĐT được xem là cần thiết, đảm bảo đầu mối quản lý thu tập trung, tránh thất thu thuế. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã có quy định chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Tại Khoản 4, Điều 42, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì NCCNN có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Như vậy, hiện hành nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam cho các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và các sàn TMĐT đã thực hiện cung cấp thông tin liên quan đến các chủ thể kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Do đó, việc bổ sung quy định kê khai thuế thay các chủ thể kinh doanh trong giao dịch TMĐT đối với các sàn TMĐT là cần thiết, đảm bảo bình đẳng trong trách nhiệm kê khai thuế thay như các nhà cung cấp nước ngoài.
Đồng thời, tăng thêm trách nhiệm kê khai thuế thay đối với các sàn TMĐT trên cơ sở các thông tin đã có về chủ thể và hoạt động giao dịch TMĐT đã thực hiện trên sàn. Điều này không phải là quá khó thực hiện đối với các sàn TMĐT. Do vậy, việc bổ sung quy định nói trên là cần thiết, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chống thất thu thuế, giảm chi phí tuân thủ cho NNT cũng như chi phí thực thi của cơ quan thuế, nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Bổ sung quy định trách nhiệm kê khai thuế thay đối với các sàn TMĐT là cần thiết, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chống thất thu thuế
PV: Để tăng cường hiện đại hóa quản lý thuế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và triển khai hóa đơn điện tử, tại Khoản 1, Điều 11, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguồn lực từ ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho công tác hiện đại hóa. Theo ông, việc bổ sung quy định này giúp đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế ra sao?
TS. Nguyễn Đình Chiến: Quá trình hiện đại hóa quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế là một trong những nội dung được quan tâm, chú trọng trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, cần tập trung quyết liệt triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thu ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử, cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra, giám sát, các nhiệm vụ chuyên môn khác phục vụ công tác quản lý thuế của ngành Thuế, ngành Hải quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu NSNN.
Nội dung này sẽ đòi hỏi một nguồn lực tài chính cần thiết, đủ lớn và chủ động, kịp thời để thực hiện có hiệu quả. Nếu cơ quan quản lý thuế không được quy định nguồn lực tài chính từ NSNN, chủ động bố trí kinh phí, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số một cách kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa quản lý thuế cũng như hiệu quả quản lý thuế trong điều kiện nền kinh tế số.
Do đó, việc bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Quản lý thuế (sửa đổi) về nguồn lực tài chính từ NSNN cho hiện đại hóa của cơ quan quản lý thuế nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, trong đó có nội dung về hiện đại hóa quản lý thuế là rất cần thiết. Điều này chắc chắn sẽ đảm bảo được nguồn lực quan trọng để thúc đẩy điện tử hóa, số hóa trong công tác quản lý thuế, hỗ trợ mạnh mẽ cho cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội, chuyển đổi số để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, quản lý hải quan trong thời gian tới.