Hóa đơn bán lẻ có được tính vào chi phí được trừ hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, hóa đơn bán lẻ vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng đủ điều kiện dưới đây:
– Hóa đơn liên quan đến khoản chi thực tế phát sinh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Hóa đơn bán lẻ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Nếu hóa đơn bán lẻ mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên bao gồm thuế GTGT phải có kèm chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Hóa đơn bán lẻ có được tính vào chi phí được trừ hay không? (Hình từ Internet)
Theo Nghị định 123 có các loại hóa đơn nào?
Theo Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về loại hóa đơn như sau:
Điều 8. Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
3. Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:
a) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);
b) Tài sản kết cấu hạ tầng;
c) Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Như vậy, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hiện nay có các loại hóa đơn như sau:
– Hóa đơn giá trị gia tăng.
– Hóa đơn bán hàng.
– Hóa đơn điện tử bán tài sản công.
– Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia.
– Các loại hóa đơn khác.
Doanh nghiệp nào được sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa?
Theo quy định Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:
Điều 13. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
1. Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, riêng trường hợp rủi ro cao về thuế thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:
a) Loại hóa đơn cấp theo từng lần phát sinh
a.1) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng trong các trường hợp:
Thông qua quy định trên, doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa bao gồm:
– Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
– Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy.
– Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Nguồn Thư Viện Pháp Luật