Doanh nghiệp thay đổi ngành nghề kinh doanh phải thông báo
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết;
– Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, khi có sự thay đổi về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ngành nghề kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Hướng dẫn thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh (Hình từ internet)
Hướng dẫn thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh
Căn cứ quy định tại Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau đây:
– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư, cập nhật thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Quy định về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 quy định giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định pháp luật;
– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
– Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.