Nhiều lao động tự do vẫn thắc mắc không đi làm có đóng bảo hiểm xã hội được không? Nếu có thì đóng thể nào để sau này hưởng lương hưu? Các câu hỏi này sẽ được TÂN THỊNH PHÁT giải đáp ngay sau đây.
Nếu như đi làm, người lao động sẽ cùng với công ty đóng bảo hiểm xã hội nhưng nếu không đi làm, người lao động hoàn toàn có thể chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, người được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có thể kể đến các đối tượng sau đây:
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
– Người giúp việc gia đình.
– Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương.
– Xã viên không hưởng lương trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
– Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm để có thu nhập cho bản thân và gia đình.
– Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu,…
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức thu nhập đóng bảo hiểm sao cho phù hợp với khả năng tài chính của bản thân nhưng chỉ trong giới hạn sau:
- Mức thu nhập thấp nhất = Mức chuẩn nghèo nông thôn = 1,5 triệu đồng.
- Mức thu nhập cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.
Hằng tháng, người lao động sẽ phải đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội số tiền = 22% mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Không đi làm, nhờ công ty khác đóng bảo hiểm được không?
Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo diện người lao động làm việc tại doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội).
Do đó, nếu không đi làm, người lao động không thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo diện công ty.
Nếu gửi đóng tại công ty và bị phát hiện, cả người lao động và người lao động đều có thể bị xử phạt. Mức phạt được quy định tại Điều 39 và Điều 40 Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội như sau:
– Mức phạt đối với người lao động:
- Phạt tiền từ từ 500.000 – 01 triệu đồng: Lỗi thực hiện hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng đối tượng.
- Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng: Lỗi kê khai không đúng sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Mức phạt đối với người sử dụng lao động:
Nếu tiếp tay cho người lao động để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng/hồ sơ về hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự.
Mức phạt tối đa với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm lỗi này là không quá 75 triệu đồng.
Trong khi đó, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với số tiền từ 20 đến 40 triệu đồng/hồ sơ làm giả, sai lệch nội dung nhưng số tiền phạt tối đa không quá 150 triệu đồng.