(LSO) – Trong thời gian vừa qua, những người hành nghề Luật sư không khỏi bức xúc, thậm chí hoang mang, lo lắng khi thấy một số thẩm phán ra lệnh cho cảnh sát hỗ trợ tư pháp bảo vệ phiên tòa “xốc nách” Luật sư buộc rời khỏi phiên tòa. Các Luật sư cho rằng, mình không có lỗi và đang tham gia phiên tòa đúng luật, các hành vi của thẩm phán là xâm phạm quyền hành nghề Luật sư,…
Theo đó, đơn thư khiếu nại của cá nhân, tổ chức và cả kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (cơ quan đại diện cao nhất cho giới Luật sư Việt Nam) cũng đã được gửi đến nơi có thẩm quyền giải quyết, nhưng câu trả lời ai đúng ai sai đến nay vẫn chưa được làm rõ. Chắc chắn rằng, bản thân người trong cuộc và cả giới Luật sư đang nghe ngóng và nóng lòng chờ đợi sự phúc đáp từ phía cơ quan có thẩm quyền để có thể lựa chọn cách hành xử tiếp theo phù hợp hơn trong nghề nghiệp. Vấn đề được đặt ra là các Luật sư đã làm sai điều gì đến mức phải bị “mời” rời khỏi phiên xử bằng sức mạnh của sự cưỡng chế và có phần bạo lực.
Thực tế, bất kỳ ai cũng phải thừa nhận rằng, nghề Luật sư đòi hỏi người hành nghề phải luôn sử dụng tất các kĩ năng nghề nghiệp của mình để thuyết phục người khác lắng nghe ý kiến mình. Sự thuyết phục của Luật sư thể hiện ở cách cư xử đúng mực, nói năng hợp lý, phong cách giao tiếp ứng xử có văn hóa và biểu hiện cao nhất của khả năng thuyết phục là tính hùng biện trong tranh tụng. Ở đó, Luật sư như đang hóa thân vào sự biểu đạt của ngôn ngữ (ngôn ngữ nói kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ, như ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,…). Qua đó, truyền cảm xúc, thu hút người nghe nhằm để họ cảm nhận được, hiểu được điều mình muốn diễn đạt. Những phản ứng gay gắt, hung hăng, giận dữ hay những ngôn từ bất cẩn, thiếu thận trọng có thể sẽ mang lại những bất lợi cho chính Luật sư và cả thân chủ của mình.
Tại phiên tòa, nếu Luật sư không được tòa lắng nghe (khi hỏi và trình bày luận cứ) thì rõ ràng đã có sự thiếu tôn trọng, coi thường hay không cần bận tâm của người tiến hành tố tụng đối với Luật sư. Điều này xảy ra có thể do nhận thức chưa thực sự đúng đắn về vai trò Luật sư, do định kiến với Luật sư, do mâu thuẫn cá nhân hoặc do chính Luật sư đã tạo ra những vấn đề của chính mình đối với người tiến hành tố tụng. Chính lúc này, sự xuất hiện của Luật sư tại phiên tòa trở nên “thừa”, gây “khó chịu”, Luật sư lúc đó chỉ có vai trò “trang trí” đủ cho bức tranh nhiều màu sắc của việc xét xử.
Do vậy, để tránh tình trạng trên có thể xảy ra, hầu hết các Luật sư khi chuẩn bị tham gia phiên tòa thường đã có sự chủ động trong việc “ứng xử” để không bị rơi vào tình cảnh lạc lõng đến mức không được tòa chú ý lắng nghe ý kiến của mình. Nhưng sự chuẩn bị đôi khi cũng gặp phải trường hợp: được tòa chú lắng nghe, ghi nhận với sự tôn trọng; tòa tỏ ra coi thường, xem nhẹ đến mức không chú ý đến Luật sư (thẩm phán nghe điện thoại, nhắn tin, làm việc riêng, trao đổi riêng, bước ra bên ngoài,…); hoặc sẽ có những hành xử cản trở, gây khó khăn cho Luật sư (ngắt lời, không cho hỏi, buộc ra ngoài,…).
Thái độ ứng xử thiếu tôn trọng có thể xuất phát từ nguyên nhân của cả hai bên, nhưng việc “mời” hay “đuổi” Luật sư không cho tham gia phiên tòa xuất phát từ những nguyên nhân nêu trên là hoàn toàn không khách quan, không phù hợp với quy định pháp luật tố tụng.
Trong khi đó, các quy định về quyền bào chữa, bảo vệ trong pháp luật tố tụng cho phép Luật sư tham gia tố tụng được sử dụng tất cả các kĩ năng nghề nghiệp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất thân chủ của mình. Nếu Luật sư có hành vi vi phạm trong quá trình tham gia phiên tòa sẽ bị chế tài không chỉ về mặt đạo đức nghề nghiệp theo Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư, mà còn bị xử phạt hành chính (nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Luật sư trong quá trình hành nghề phải tuân thủ cùng lúc các quy định: quy định tố tụng, các chế tài hành chính, các quy tắc đạo đức và ứng xử…; nhưng điều này lại không được quy định rõ ràng đối với người tiến hành tố tụng. Những căn cứ chỉ có tính định tính, nên vô hình trung đã tăng thêm “quyền lực” cho người tiến hành tố tụng mà lẽ ra họ “chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Nghị định 82/NĐ-CP vừa có hiệu lực áp dụng các mức xử phạt rất nặng đối với những hành vi được xem là vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư. Tại khoản 6, Điều 6, NĐ 82/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: “Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”; hay “Sách nhiễu khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; lừa dối khách hàng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; hoặc “Ứng xử, phát ngôn hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề Luật sư hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. |
Tuy có thể sẽ có những tranh cãi về các mức độ vi phạm đạo đức hay vi phạm hành chính, dấu hiệu vi phạm là định tính hay định lượng,… nhưng Nghị định 82/NĐ-CP cũng đã bước đầu lượng hóa những dấu hiệu định tính thành căn cứ định lượng để xử phạt đối với các Luật sư vi phạm. Về nhận thức, các Luật sư không thể né tránh một thực tế là việc vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư cũng có thể là vi phạm các quy định về trật tự quản lý hành chính trong tư pháp và sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc.
Do vậy, để tránh bị xử lý về đạo đức (khiển trách, cảnh cáo,…),xử phạt về hành chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động,…),các Luật sư buộc phải ý thức về việc cần cư xử đúng mực, nói năng hợp lý, phong cách giao tiếp ứng xử có văn hóa, trong cuộc sống, trong hành nghề, trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng,… Đây là một đòi hỏi tất yếu về các phẩm chất, kĩ năng cần có của một Luật sư chuyên nghiệp, không đơn thuần chỉ là những đòi hỏi có tính nhất thời, đối phó với việc xử phạt vi phạm đạo đức hay hành chính.
Luật sư LÊ QUANG Y
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai