Những khoản thu nhập nào sẽ tính thuế TNCN? Công tác phí có tính thuế TNCN không? (Hình từ internet)
Những khoản thu nhập nào sẽ tính thuế TNCN?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là thuế trực thu tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các khoản thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh. Thuế TNCN là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách. Là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, 10 khoản thu nhập phải chịu thuế bao gồm:
(1) Thu nhập từ kinh doanh
(2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
(3) Thu nhập từ đầu tư vốn
(4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
(5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
(6) Thu nhập từ trúng thưởng
(7) Thu nhập từ bản quyền
(8) Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
(9) Thu nhập từ nhận thừa kế
(10) Thu nhập từ nhận quà tặng
Công tác phí có tính thuế TNCN không?
Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
Tiền lương, tiền công được tính thuế bao gồm: Tiền lương chính thức. tiền phụ cấp, tiền thù lao, tiền hoa hồng, nhận tiền từ việc tham gia các chức phụ khác của bộ máy doanh nghiệp; Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán,…
Công tác phí được xếp vào nhóm các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức.
Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
– Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
– Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
Như vậy, công tác phí có thể dùng để tính thuế TNCN hoặc có thể không dùng tính thuế TNCN tùy thuộc vào quy định của cơ quan, doanh nghiệp mà người đi công tác làm việc.
Ví dụ: Nếu trường hợp người lao động làm việc cho tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện thì Công tác phí có thể không được dùng để tính vào thuế TNCN nếu việc công tác đó thuộc “khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” theo điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư 151/2014/TT-BTC.
Tham khảo thêm tại Công văn 8771/CT-TTHT của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.