Thứ nhất, chú ý đến những dấu hiệu không được bảo hộ cho nhãn hiệu
Nhãn hiệu không được bảo hộ nếu thuộc một trong những dấu hiệu sau:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
Khi thiết kế nhãn hiệu hay logo thì người thiết cần lưu ý đến các dấu hiệu này, tránh việc dẫn đến việc nhãn hiệu bị từ chối khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Thứ hai, các yếu tố cấu thành nhãn hiệu:
Nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam phải là những dấu hiệu nhìn thấy được, nên nhãn hiệu được xác định có thể là chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ. Vì vậy, mùi vị, âm thanh mặc dù có thể là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau nhưng nó không được thừa nhận là yếu tố của nhãn hiệu và không được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Thứ ba, lưu ý khi sáng tạo ra nhãn hiệu:
Việc sáng tạo ra nhãn hiệu phụ thuộc nhiều vào chính sách, phương án và mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, khi tạo nhãn hiệu mới, doanh nghiệp cần phải chú ý để nhãn hiệu đó đáp ứng được hai mục tiêu chính là có giá trị thương mại và dễ bảo hộ. Nhãn hiệu có giá trị thương mại phải là một dấu hiệu thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt là nó phải hấp dẫn đối tượng khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp có ý định chinh phục. Để đạt mục tiêu này, nhãn hiệu phải dễ phát âm, dễ nhớ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới đối tượng mà nó hướng tới.
Nhãn hiệu dễ đăng ký bảo hộ phải là dấu hiệu có tính phân biệt mạnh, tức là tính phân biệt đó phải rõ ràng và không gây nhầm lẫn, không gây hiểu nhầm về nguồn gốc và bản chất sản phẩm/dịch vụ.