Tổng cục Thuế đang xem xét để có thể đưa ra ngưỡng nợ thuế phù hợp trong áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân người nộp thuế. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc tính toán từ nhiều yếu tố, khía cạnh, lập thành bộ tiêu chí chứ không nên chỉ quy định ngưỡng bao nhiêu…
Xây dựng ngưỡng nợ thuế dựa trên quy mô doanh nghiệp?
Tổng cục Thuế mới đây cho biết sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh và các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính công bằng, hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, một trong những giải pháp được Tổng cục Thuế đưa ra là sẽ tập trung nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo chuyên gia, cần có bộ tiêu chí quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân người nộp thuế
Trước đó, việc áp dụng hoãn xuất cảnh hàng loạt đại diện doanh nghiệp đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Dù Tổng cục Thuế khẳng định trước khi ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện một số biện pháp đôn đốc người nộp thuế như gọi điện thoại, gửi email, mời người nộp thuế lên làm việc, gửi thông báo nợ, gửi quyết định cưỡng chế (nếu có) cho người nộp thuế. Tuy vậy, thực tế có nhiều người phản ánh không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế cho đến khi ra sân bay mới hay không được xuất cảnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng “cào bằng” biện pháp cấm xuất cảnh cho nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, gây khó khăn lớn cho người nộp thuế và chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là chưa nói lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với một doanh nhân đã ảnh hưởng nhiều đến uy tín cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp…
Cuối tháng 10 vừa qua, khi góp ý cho dự thảo luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của biện pháp cưỡng chế thuế để đảm bảo hiệu quả thực thi, tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết, hoặc xem xét chưa sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay. Trong trường hợp cần sửa đổi, đề nghị bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để việc tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng hợp lý hơn.
Đồng tình với đề xuất xây dựng ngưỡng nợ thuế làm căn cứ tạm hoãn xuất cảnh, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, cho rằng ngưỡng nợ thuế phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô của doanh nghiệp. Không thể cào bằng doanh nghiệp “triệu đô” nợ thuế quá hạn cũng giống như doanh nghiệp quy mô trăm triệu đồng. “Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng nợ thuế từ 1 triệu đến dưới 100 triệu đồng thì không nên hoãn xuất cảnh, bởi ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp nhỏ chỉ có vốn đăng ký 50 triệu đồng, chây ì nợ thuế 50 triệu đồng thì sao? Hay doanh nghiệp có vốn đầu tư 1 triệu USD, nợ thuế 50 triệu đồng, có nên hoãn xuất cảnh như ông chủ doanh nghiệp quy mô 50 triệu đồng kia không? Thế nên, tôi nghĩ ngành thuế cần thực hiện các thống kê nhằm phân loại doanh nghiệp, qua đó quy định ngưỡng nợ thuế sẽ công bằng hơn”, LS Toản phân tích.
Dẫn luật Quản lý thuế quy định về áp cưỡng chế thuế với người nộp thuế trước khi xuất cảnh, còn luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì quy định về “có thể bị tạm hoãn xuất cảnh”, luật sư Nguyễn Quốc Toản phân tích: “Luật mở theo hướng “có thể”, tức là áp cũng được, không cũng không sao. Nhưng áp lệnh này khi nào, không áp khi nào thì luật không nói. Thế nên, luật Quản lý thuế nếu đưa quy định này vào cần cân nhắc bởi yếu tố bao nhiêu là cao, bao nhiêu là thấp đối với từng doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc”.
Nên xây dựng bộ tiêu chí làm căn cứ
Đồng quan điểm, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cũng cho rằng để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần sử dụng công cụ thống kê, phân loại mang tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngưỡng này không nên quá nhỏ vì sẽ không đủ tính răn đe, phát sinh chi phí hành chính quản lý quá lớn và đặc biệt là không khiến số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường nhìn nhận trong thực tế, ngay cả áp dụng ngưỡng nợ thuế làm căn cứ tạm dừng xuất cảnh cũng sẽ gặp khó khăn khi có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp khác nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng… Việc áp dụng ngay lập tức quy định tạm hoãn xuất cảnh lại khiến họ khó chồng khó. Thế nên, ngành thuế nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư – CIEM), lại cho rằng nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế để áp dụng cho việc hoãn xuất cảnh một cá nhân đại diện pháp luật doanh nghiệp là không đủ đầy và khó thuyết phục.
“Đưa ra một ngưỡng nợ thuế 5 triệu, 10 triệu hay 100 triệu sẽ bị hoãn xuất cảnh là điều không ai làm cả. Xuất phát từ một quy định nhỏ trong luật Xuất cảnh, nhập cảnh và luật Quản lý thuế là cá nhân nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, thời gian qua ngành thuế đã áp dụng tràn lan là điều không ổn chút nào, nếu không nói là làm “xấu xí” đi hình ảnh của ngành thuế. Con số doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế của doanh nghiệp không thể nào là thành tích của ngành được. Không thể để công tác truy thu nợ tồn đọng thuế lại đẩy trách nhiệm trung tâm cho người dân và doanh nghiệp được”, TS Nguyễn Minh Thảo nói thẳng.
Sau nhiều góp ý, tần suất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện pháp luật doanh nghiệp từ cơ quan quản lý có vẻ được cân nhắc hơn, thận trọng hơn. Tuy nhiên, theo bà Thảo, ngành thuế cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn. Bộ tiêu chí này có quy định nợ bao nhiêu lần, bao lâu. Phải đánh giá mức độ chây ì của doanh nghiệp, đã sử dụng các biện pháp gì? Quy mô, khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp thế nào?
“Ngưỡng nợ thuế nếu có, chỉ là một quy định nhỏ trong bộ tiêu chí chứ không thể cứ căn cứ vào mức nợ bao nhiêu sẽ bị cấm xuất cảnh, nghe rất cảm tính. Ngay cả việc áp dụng ngưỡng nợ bao nhiêu để đưa vào tiêu chí cũng cần sự đánh giá hết sức khoa học, nhân văn và hợp lý, chứ không nên “đổ đồng” nợ thuế chừng đó sẽ bị hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, số liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… cũng được đưa vào hệ thống tính toán để có ngưỡng khả thi, hợp lý cho từng doanh nghiệp, từng ngành hàng”, TS Nguyễn Minh Thảo nêu quan điểm.
Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9 năm nay, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỉ đồng.
Đã nợ thuế, 1 đồng cũng gọi là nợ. Luật quy định mang tính pháp lý cao, nhưng phải được xây dựng trên tinh thần nhân văn, để doanh nghiệp tâm phục khẩu phục. Một mặt hướng doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về nhiệm vụ đóng thuế. Mặt khác, tạo điều kiện để họ duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước. Vì thế, không nên đưa ra ngưỡng nợ bao nhiêu mà nên xây dựng bộ tiêu chí làm căn cứ dừng xuất cảnh người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế.