Scam là gì? Hành vi Scam có thể bị phạt tù bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Scam là gì? Các loại Scam phổ biến và cách nhận biết
Scam là một thuật ngữ tiếng Anh mang ý nghĩa là “lừa đảo”. Từ ngữ “Scam” dùng để chỉ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi, thủ thuật lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau như trên điện thoại, máy tính, tablet, các kênh hay công cụ truy cập mạng nào khác,…nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Hiện tại, Scam được chia làm hai hành vi chính là trực tuyến (Scam online) và trực tiếp (Scam offline).
(1) Scam online
– Đây là hình thức thường xuyên nhìn thấy trên mạng. Đơn cử là một số hành vi lừa đảo theo hình thức này như:
+ Thông qua email
+ Hack tài khoản Facebook
+ Tạo website giả mạo
+ Mạo danh người dùng hoặc thương hiệu
+ Bán hàng online không đúng với những gì đăng tải
+ Lừa đảo quyên góp những quỹ từ thiện
+ Scam catfish
+ Scam đấu giá
+ Scam 419
+ Scam làm khảo sát online
+ Scam việc làm trên mạng
+ Scam bằng cuộc gọi lạnh
– Cách nhận biết Scam online:
+ Nếu như người dùng nhận được các lời mời hay quyền lợi vô cùng cuốn hút như: kêu gọi đầu tư với vốn ít mà lợi nhuận cao, quà tặng trúng thưởng lớn,…
+ Nhận được email kêu xác nhận lại thông tin, nội dung,… mà câu từ sai ngữ pháp, chính tả. Ngoài ra, địa chỉ email này sẽ có phần giống với email thật của công ty thật.
+ Gửi một tin nhắn hay cuộc gọi gửi đến bạn yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng, thông tin cá nhân,…
+ Nhắn tin hay gọi điện báo cá nhân đã vi phạm và họ đòi xử phạt hoặc bắt giữ,…
– Scam offline là một hình thức xuất hiện trước Scam online
Việc nhận biết hành vi này có thuộc Scam offline thì phải tốn thời gian để nhận ra. Thông thường, những hành vi lừa đảo này sẽ có sự đầu tư khá công phu về nội dung lẫn hình thức dẫn đến cá nhân mắc phải khó lòng mà biết được mình đã rơi vào bẫy của hành vi này.
Hành vi Scam có thể bị phạt tù bao nhiêu năm?
Nội hàm chính của từ ngữ “Scam” là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác cho nên nếu cá nhân cho hành vi này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với các khung hình phạt như sau:
* Khung 1
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
* Khung 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
– Tái phạm nguy hiểm;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
* Khung 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
* Khung 4
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
* Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017))