Từ 01/07/2024, thêm đối tượng được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế?

Tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được bổ sung bởi khoản 2 Điều 32 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:

Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

4. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bao gồm:

a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo;

b) Học sinh, sinh viên.

c) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 quy định như sau:

Hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

1. Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Theo đó, tại Điều 24 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 quy định:

Chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ

1. Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

2. Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

3. Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 đã bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) đã bổ sung người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.

Mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như thế nào?

Tại Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 quy định về mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tụ ở cơ sở như sau:

– Được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

– Được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

Mức hỗ trợ, bồi dưỡng như sau:

+ Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng: Được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như thế nào?

Căn cứ Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 quy định công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

– Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã;

– Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.

+ Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

– Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

– Đang thường trú hoặc tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

– Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024

Nguồn Thư Viện Pháp Luật

đăng ký tư vấn luật

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng điền đầy đủ thông tin dưới đây hoặc liên hệ hotline 0908222630 | Hoàng Yến: 0909.222.630