Theo Thư Viện Pháp Luật
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
Dưới đây là nội dung cập nhật mới nhất toàn bộ thông tin về sáp nhập tỉnh thành hiện nay.
Cập nhật mới nhất toàn bộ thông tin về sáp nhập tỉnh thành (Hình từ internet)
Toàn bộ thông tin về sáp nhập tỉnh thành (cập nhật mới nhất)
Sáp nhập tỉnh thành, tiếp tục sắp xếp lại cấp xã và bỏ cấp huyện để tinh gọn bộ máy toàn hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là chủ trương, đề án đang được Đảng và Nhà nước chú trọng, nghiên cứu triển khai khẩn trương.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng hiện nay vẫn chưa có thông tin, kết luận chính thức cụ thể nào từ các cấp có thẩm quyền về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, tên gọi hay trung tâm hành chính của tỉnh mới.
Sau đây là toàn bộ thông tin về sáp nhập tỉnh thành được cập nhật chính xác theo các Kết luận của Bộ Chính trị, các cuộc họp của Đảng ủy Chính phủ và Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp:
(1) Thông qua Nghị quyết sáp nhập tỉnh thành và sáp nhập xã trước ngày 30/6/2025
Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) ban hành Công văn 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tại nhiệm vụ triển khai thực hiện sau khi có nghị quyết, kết luận của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ban Chỉ giao Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung sau:
– Việc thực hiện các quy trình và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).
– Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) (hoàn thành trước ngày 30/6/2025).
– Thông qua các luật, nghị quyết có liên quan để triển khai chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…
Xem thêm tại Công văn 43-CV/BCĐ ban hành ngày 20/3/2025.
(2) Dự kiến giảm 50% số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, 60 đến 70% đơn vị hành chính cấp xã
Chiều ngày 11/3/2025, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Cuộc họp thảo luận về tiêu chí sắp xếp các đơn vị hành chính; phương án, định hướng sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; dự kiến tên gọi, phương án lựa chọn nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính của đơn vị hành chính mới được thành lập; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế chính quyền cấp tỉnh, cấp xã…
Trong đó, đối với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đó là cấp tỉnh (gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở, phiên họp thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 – 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở (cấp xã) so với hiện nay.
(3) Tiêu chí đặt tên, lựa chọn trung tâm hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập
Cũng tại cuộc họp ngày 11/03/2205 của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính – chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng…
Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính – chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
(4) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã và không tổ chức cấp huyện từ ngày 12/3/2025
Ngày 12/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 571/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo:
– Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
– Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm theo đúng quy định của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
– Nhiệm vụ cụ thể của thành viên Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định 571/QĐ-TTg năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giúp Trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng ban ký ban hành.
(5) Sẽ có hội nghị toàn quốc triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại cấp xã
Đây là nội dung được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sau cuộc họp của Bộ Chính trị thống nhất chủ trương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng ủy Chính phủ gửi đề án lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, sau đó tổng hợp và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến vào trung tuần tháng 4/2025.
Sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.
Nhiệm vụ của các bộ, ngành là phải tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn có liên quan theo thẩm quyền và trách nhiệm của mình, làm căn cứ để sau Hội nghị Trung ương có thể triển khai việc sáp nhập, sắp xếp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng việc này không khó vì đã có kinh nghiệm trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong những lần trước đây, giờ chỉ tiếp tục điều chỉnh, mở rộng, bổ sung cho rõ và phù hợp với quy mô là sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.