Xuất hóa đơn sai thời điểm bên mua có được đưa vào chi phí hợp lý được trừ?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, tại Công văn 2731/TCT-CS năm 2016 của Tổng cục thuế gửi Cục thuế Tỉnh Hà Nam liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp xử lý vấn đề xuất hóa đơn sai thời điểm đã nêu rõ:
Công ty có các hồ sơ, tài liệu: báo giá, hợp đồng kinh tế và biên bản bàn giao việc mua bán hàng hóa thì chi phí sẽ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với số hóa đơn nêu trên và kê khai thuế GTGT đầu vào.
Theo đó, các hóa đơn đầu vào xuất sai thời điểm thì bên mua vẫn được đưa vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài ra được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu việc mua bán là đúng thực tế; có hóa đơn, chứng từ thanh toán đầy đủ; bên bán đã kê khai, nộp thuế đầy đủ.
Thời hiệu xử phạt xuất hóa đơn sai thời điểm tối đa là bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm.
b) Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:
Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm d khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.
Như vậy, đối với trường hợp thời hiệu xử phạt xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ được quy định trong 2 năm.
Xử lý hóa đơn xuất sai thời điểm như thế nào?
Theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hóa đơn đã lập có sai sót như sau:
Xử lý hóa đơn có sai sót
2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:
b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:
b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
Theo đó, xử lý hóa đơn xuất sai thời điểm thực hiện 04 bước như sau:
Bước 1: Người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập xuất sai thời điểm.
Bước 2: Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập xuất sai thời điểm.
Bước 3: Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập sai thời điểm sau đó người bán gửi cho người mua
Bước 4: 02 bên giữ lại biên bản điều chỉnh hóa đơn để phục vụ cho việc giải trình về sau
Lưu ý:
+ Hóa đơn điều chỉnh hóa đơn xuất sai thời điểm cần có nội dung “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
+ Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập xuất sai thời điểm phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”
Nguồn Thư Viện Pháp Luật